Tại sao vậy? Bởi vì bạn không thể giải quyết những vấn đề trên bằng tiền bạc. Lấy nỗi sợ hãi làm ví dụ. Trong giờ giảng của mình, tôi thường hỏi cả khán phòng: “Bao nhiêu người trong các bạn cho rằng nỗi sợ hãi là động lực chính cho sự thành công?”. Không nhiều người giơ tay. Tuy nhiên, khi tôi hỏi tiếp: “Bao nhiêu người trong các bạn coi sự an toàn là động lực chính cho thành công?” thì hầu như tất cả mọi người đều giơ tay. Nhưng bạn thử ngẫm xem: Có phải sự an toàn và sự sợ hãi có cùng xuất phát điểm? Tìm kiếm sự an toàn là do ta cảm thấy có sự không an toàn, và nỗi sợ hãi cũng bắt nguồn từ sự không an toàn.
Vậy thì nhiều tiền hơn có thể xua tan đi nỗi sợ hãi không? Đó chỉ là ước mơ của bạn mà thôi! Câu trả lời là hoàn toàn không. Tại sao? Bởi vì tiền bạc không phải là gốc rễ của vấn đề. Gốc rễ là nỗi sợ hãi. Tình hình còn tồi tệ hơn nếu sự sợ hãi không chỉ là vấn đề mà còn là thói quen. Khi đó việc kiếm được nhiều tiền hơn sẽ chỉ làm thay đổi nỗi sợ của chúng ta mà thôi. Khi túng quẫn đa số chúng ta đều lo sợ rằng mình không bao giờ kiếm ra tiền nữa. Tuy nhiên khi kiếm ra tiền rồi thì nỗi sợ hãi của chúng ta lại biến thành: “Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi đánh mất những thứ tôi đã có?”, hoặc “Mọi người đều muốn thứ tôi đang có”, hoặc “Tôi là con bò mộng cho sở thuế làm thịt đây”. Tóm lại, trừ khi chúng ta ngăn được nguyên căn của vấn đề và làm tan biến nỗi sợ hãi, còn không thì chẳng có số tiền nào có thể giúp được.
Tất cả nếu được lựa chọn phần lớn chúng ta sẽ chọn thà có nhiều tiền và lo lắng mất tiền còn hơn là hoàn toàn không có tiền, nhưng không có lựa chọn nào là cách sáng suốt cả.
Với những người bị nỗi sợ hãi chi phối, họ bị thôi thúc phải thành công về mặt tài chính chỉ để chứng minh với xã hội rằng mình “dư dả”. Bây giờ bạn cần nhận thức rằng không có khoản tiền nào có thể khiến bạn cảm thấy khác đi cả.
Sự sợ hãi cũng khiến cho việc luôn phải chứng tỏ mình trở thành một thói quen, một cách sống quen thuộc đến nỗi thậm chí bạn không hề nhận ra rằng nó đang điều khiển bạn. Bạn tự cho rằng mình sống có mục đích, có quyết tâm, quyết đoán… mà không nhận ra động cơ sâu sa đang điều khiển mình chính là nỗi sợ hãi.
Đối với những người bị ám ảnh phải chứng tỏ mình “dư dả” thì không có khoản tiền nào có thể làm dịu nỗi đau của vết thương lòng. Vết thương này sẽ khiến cho mọi của cải đều là không đủ trong cuộc đời họ. Không có khoản tiền nào, hay bất cứ điều gì khác liên quan tới vấn đề tài chính là đủ với những người cảm thấy chưa đủ hài lòng với chính bản thân mình.
Tất cả do bản thân bạn. Hãy nhớ thế giới bên ngoài phản ánh thế giới bên trong của bạn. Nếu bạn tin là mình thiếu thốn, bạn sẽ tạo ra thực tế rằng bạn sẽ nghèo khó. Mặt khác, nếu bạn tin là mình giàu có thì bạn sẽ tạo ra được sự sung túc. Tại sao?
Bằng cách tách rời động cơ tài chính ra khỏi sự giận dữ, sợ hãi và cả nhu cầu chứng tỏ bản thân, bạn hoàn toàn có thể thiết lập những mối quan hệ mới để trở nên giàu có thông qua mục đích, sự đóng góp và niềm vui. Theo cách ấy, bạn sẽ không bao giờ phải từ bỏ tiền bạc của mình để mong đổi lấy hạnh phúc.
T. Harv Eker – trích trong Bí mật tư duy triệu phú
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook