PGS.TSKH Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) đã rất bức xúc khi bàn về câu chuyện dùng kết quả nghiên cứu vào quảng cáo và nói quá mức so với chất lượng thực của sản phẩm.
Không nên tiếp tay cho ‘ma quỷ’
Thẳng thắn và trách nhiệm là điều mà TSKH Nguyễn Duy Thịnh đã sử dụng với sự hiểu biết trong chuyên ngành của mình khi phát hiện một doanh nghiệp đã nói quá sự thực về một loại bột ngọt.
PGS Thịnh kể lại, trong một lần hội thảo bàn về giá trị dinh dưỡng của mì chính, ông đã gặp được đại diện của hãng Ajinomoto. Trước đó ông vô cùng bức xúc vì đoạn quảng cáo hạt nêm “ngon từ thịt, ngọt từ xương” mà hãng này đã sử dụng.
Ông Thịnh đã trực tiếp trao đổi với đại diện nhãn hàng, cho rằng hãy điều chỉnh ngay để tránh sự lạm dụng của các bà mẹ thay vì nước xương hầm lại sử dụng hạt nêm để nấu cháo cho con mình. Hạt nêm chỉ có tác dụng nêm nếm cho món ăn thêm phần gia vị chứ không thể thay thế các chất dinh dưỡng khác.
“Điều này rất không tốt cho sức khỏe trẻ em vì sẽ dẫn tới thiếu chất dinh dưỡng. Nếu hãng không điều chỉnh lại, chúng tôi sẽ tập hợp các nhà khoa học lên tiếng để lật tẩy giá trị dinh dưỡng thực của loại hạt nêm này”, ông Thịnh nhớ lại.
Nhiều bà mẹ sẽ lầm tưởng hạt nêm có thể thay thế xương, thịt hầm |
Sự phản ứng của TSKH Nguyễn Duy Thịnh đã được hãng này điều chỉnh ngay trong việc quảng cáo sản phẩm của mình. TS Thịnh cho biết, còn nhiều quảng cáo của các loại mặt hàng khác cực kỳ vô lý, cố tình che mắt người tiêu dùng mà không ai lên tiếng phản đối.
Theo TS Thịnh, thủ đoạn của doanh nghiệp lợi dụng tiếng nói, kết quả của nhà khoa học chỉ là một khía cạnh rồi khuếch trương lên là có thật. Các nhà khoa học cũng nghiên cứu thật, có kết quả thật, song việc sử dụng kết quả này tới đâu vào mục đích gì đôi khi lại chưa được chú tâm đến cùng.
“Chính vì như vậy khi các doanh nghiệp đặt hàng, xin ý kiến nhà khoa học thì các nhà khoa học cũng phải cảnh giác. Có hợp đồng cam kết chặt chẽ, tránh phiền hà về sau”, TS Thịnh nói.
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (QUATEST 3), thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết, Trung tâm này thường xuyên thực hiện kiểm định chất lượng các loại hàng hóa, sản phẩm cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Trung tâm có giao kèo với doanh nghiệp, ‘nếu sử dụng kết quả vào quảng cáo thì phải đưa nguyên nội dung mà đơn vị đã thực hiện kiểm định, không được trích dẫn theo kiểu cái hay thì đưa lên, cái xấu thì che đi’, ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng thẳng thắn cho rằng, chuyện doanh nghiệp lạm dụng uy tín khoa học để quảng bá sản phẩm không thiếu. Trung tâm đã từng gặp nhiều trường hợp doanh nghiệp sao chụp, fotocopy kết quả rồi đem đi quảng cáo. Khi phát hiện, Trung tâm đã yêu cầu đối chiếu mới biết rằng đó chỉ là kết quả copy. “Chúng tôi đã chuyển toàn bộ hồ sơ để công an giải quyết”, ông Dũng cho biết.
Ai kiểm định nội dung quảng cáo?
Hiện cũng có rất nhiều thực phẩm quảng cáo đã sử dụng tiếng nói của Viện Dinh dưỡng để nâng uy tín cho sản phẩm. Theo TS Thịnh, cách này thực sự mang lại hiệu quả rất cao nhưng người tiêu dùng hãy thận trọng với những lời có cánh, ngoa ngôn.
Đưa ra bằng chứng từ chính việc trong một đoạn quảng cáo xà phòng nói rằng có thể tiêu diệt được 99% vi khuẩn, TS Thịnh bức xúc: “Tôi không biết Viện nào đã dùng cách gì mà khẳng định xà phòng tiêu diệt được 99% vi khuẩn. Nếu như thực sự xà phòng làm được điều đó, hóa ra xà phòng trở thành chất diệt khuẩn. Như vậy sẽ gây hại rất lớn cho sức khỏe vì đã là diệt khuẩn thì chất này cũng có thể diệt cả tế bào sống”.
Phân tích ở góc độ khoa học, TS Thịnh cho rằng bản chất xà phòng là một chất tẩy rửa. Khi tay chân dính chất bẩn ở trạng thái khó rửa, xà phòng có thể giúp tẩy sạch nhưng buộc phải dùng với nước. Lúc này có sạch hay không thì lại phụ thuộc vào nước rửa.
Nếu xà phòng diệt khuẩn tới 99% thì cũng diệt cả tế bào sống |
“Bất cứ nước chất tẩy rửa nào an toàn cho da khi sử dụng với nước sẽ làm sạch chứ không nhất thiết phải dùng chất diệt khuẩn. Còn nếu không chỉ cần dùng cồn y tế cũng diệt khuẩn. Nếu tay dính dầu mỡ mà không có nước sạch thì có diệt khuẩn tay cũng vẫn bẩn thôi”, TS Thịnh giải thích.
“Vậy mà các quảng cáo suốt ngày ra rả rằng “xà phòng loại này có thể diệt khuẩn tới 99% là rất vô lý. Tôi không biết cơ quan nào đã chứng nhận được. Tôi cũng không biết việc thẩm định nội dung quảng cáo được thực hiện, quản lý như thế nào mà ngày càng có những quảng cáo ngoa ngôn”, ông Thịnh nói.
Nhà khoa học chưa biết bảo vệ uy tín khoa học
Thừa nhận không ít doanh nghiệp dùng ‘mánh lới’ trích một phần kết quả kiểm định vào việc quảng cáo sản phẩm của mình, nhưng đa số các nhà khoa học lại ngại lên tiếng hoặc có cũng chỉ nhắc nhẹ.
Giống như Học viện Quân y còn không biết các kết quả nghiên cứu đã được trích dẫn trong các bài viết quảng cáo cho đến khi chính báo chí phản ánh lại.
Mặc dù vậy, Đại tá PGS.TS Nguyễn Tùng Linh, Trưởng Phòng Khoa học công nghệ và Môi trường, Học viện Quân y cho biết, khi thấy thực tế phản ánh lại, Học viện cũng chỉ gọi điện “nhắc” doanh nghiệp gỡ bài từ trang web của họ xuống. “Họ đã sửa sai làm ngay nên cũng không ồn ào làm gì”, TS Linh nói.
Tương tự, TS Trần Ngọc Hữu, Viện Pasteur cũng cho rằng, các nhà khoa học rất ngại kéo nhau ra tòa. Chỉ khi nào thấy doanh nghiệp quảng cáo, đưa tên chứng nhận của Viện vào thì nhắc. “Có đơn vị sửa, nhưng có đơn vị không sửa cũng chả biết làm sao”, TS Hữu thất vọng.
TS Hữu cho rằng, nếu muốn sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào quảng cáo sản phẩm thì cần phải có một quy trình khác, chặt chẽ hơn để tránh tình trạng như hiện nay.
Theo TS Linh, tâm lý của một người nghiên cứu khi làm việc không nghĩ đến kết quả này sẽ sử dụng vào việc quảng cáo sản phẩm. Song câu chuyên này cũng là một bài học để các nhà khoa học nhận ra. Xã hội phát triển, doanh nghiệp sẽ phải nhờ vào các nghiên cứu khoa học song mức độ sử dụng thông tin tới đâu cũng cần được được bàn thảo chặt chẽ.
TSKH Nguyễn Duy Thịnh bày tỏ, các nhà khoa học có chuyên môn hãy lên tiếng bảo vệ uy tín của mình và bảo vệ cả người tiêu dùng. Doanh nghiệp dựa vào khoa học để phát triển công nghệ, có sản phẩm tốt là đúng nhưng không nên để họ lạm dụng để che mắt người tiêu dùng.
- Bích Ngọc
( Theo Báo đất việt )
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook