Điểm mặt các đại gia bất động sản "ngã ngựa"

Danh mục

Hỗ trợ trực tuyến

Thông tin tiện ích

Bình luận mới nhất

  • Điểm mặt các đại gia bất động sản "ngã ngựa"

Ngày đăng: 12/11/2012, 03:34 am
Lượt xem: 2298
Điểm mặt các đại gia bất động sản "ngã ngựa"

Dự án KĐTM Thanh Hà Cienco 5

Dự án khu đô thị mới Thanh Hà, chủ đầu tư là Tổng công ty Công trình giao thông 5 (Cienco 5) được khởi công từ đầu năm 2008. Đến nay, qua 4 năm, chủ đầu tư chưa hoàn thiện nổi 10km đầu tiên trục đường phát triển kinh tế chạy qua dự án.

Theo thiết kế, tuyến đường có mặt cắt ngang 40m, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 60 km/giờ và một chuỗi khu đô thị sẽ được xây dựng dọc tuyến đường, gồm ba khu: Thanh Hà A, Thanh Hà B và Mỹ Hưng, thuộc quận Hà Đông và Thanh Oai (Hà Nội).

 


Tổng số tiền đầu tư cho dự án đường và 3 khu đô thị lên tới gần 18.000 tỉ đồng. Ra đời đúng vào thời điểm BĐS hoàng kim, có lúc dự án Thanh Hà - Cienco 5 đã trở thành điểm nóng được giới đầu cơ làm giá, săn lùng ráo riết với mức giá chênh lệch trao tay hàng tỷ đồng, qua những bản hợp đồng ký kết với nhiều công ty tự nhận là nhà đầu tư thứ cấp để mua đất dự án khu đô thị Thanh Hà.

Việc mua bán sang nhượng đất tại dự án Thanh Hà đã trở nên rối loạn, thậm chí xảy ra những vụ lừa đảo góp vốn khi thị trường “sốt nóng” lên tới hàng trăm tỷ đồng. Việc mua bán thực ra chỉ là góp tiền trên giấy, thực tế dự án mới chỉ thi công rất hạn chế, hầu hết mặt bằng vẫn chỉ là những cánh đồng bỏ hoang, ao hồ nước mênh mông, người dân trong vùng tận dụng để thả trâu bò.

Dự án nhà ở giãn dân phố cổ

Dự án xây dựng nhà ở giãn dân phố cổ tại Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên do UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) làm chủ đầu tư. Cụ thể, dự án này được UBND TP. Hà Nội phê duyệt và giao UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư vào cuối năm 2009 theo hình thức xã hội hoá.

Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng và Xuất nhập khẩu Hồng Hà (Công ty Hồng Hà) được giao thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị dự án. Đổi lại, UBND quận Hoàn Kiếm chấp thuận đề nghị của Công ty Hồng Hà xin được mua 50 căn hộ chung cư cao tầng để cải thiện điều kiện nhà ở của cán bộ, nhân viên Công ty Hồng Hà và đồng ý cho phía Công ty Hồng Hà sử dụng để kinh doanh 15% số căn hộ trên tổng dự án mà Công ty bỏ vốn đầu tư.

Những thông tin “lùm xùm” về tính pháp lý của dự án xuất hiện từ giữa năm 2012, đến tháng 8/2012 sự thật về việc huy động vốn mới vỡ lở. Có hay không hành vi “lạm dụng tín nhiệm lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại dự án? Những lãnh đạo liên quan đã bị bắt giữ để điều tra nhưng đến nay số tiền gần 200 tỷ đồng nhà đầu tư góp vốn vào dự án vẫn chưa biết sẽ ra sao, trong khi đó khu đất dự án vẫn chỉ là bãi trống, um tùm cỏ dại.

Dự án 409 Lĩnh Nam

Dự án Megastar Duminium 409 Lĩnh Nam – Hoàng Mai – Hà Nội do Công ty TNHH kinh doanh nhà Vĩnh Hưng và Cty Cổ phần Megastarland làm chủ đầu tư. Trong đó, tòa 25T tại dự án được Công ty Đầu tư phát triển thương mại Hạ Long phân phối độc quyền với giá 12 triệu đồng/m2.

Trước thông tin người dân mua nhà từ CT3 B Trung Văn Hà Nội có nguy cơ không nhận được nhà vì Công ty Hạ Long chiếm dụng vốn khiến nhiều khách dự án 409 Lĩnh Nam cũng đang “chết đứng”. Sự lo sợ “trắng tay” càng tăng lên khi đến nay dự án vẫn trong tình trạng bất động, cửa đóng then cài. Phần nhà 25 tầng đã đào móng, ép cọc sắt nhưng đã ngừng thi công, còn chủ đầu tư thì “mất dạng” khiến hàng trăm khách mắc kẹt tại dự án này.

Nhiều khách hàng mua nhà tại chung cư 409 Lĩnh Nam đã đồng loạt tố cáo bị công này lừa đảo thu tiền mua nhà từ năm 2009 nhưng đến nay dự án vẫn "bất động" ở phần đào móng làm ao và... nuôi muỗi.

Theo phản ánh, Công ty Hạ Long ký hợp đồng vay vốn mua căn hộ tại tòa 25T – dự án 409 Lĩnh Nam từ năm 2009 với cam kết giao nhà cho khách hàng vào quý 3/2011. Đến nay tòa 25T chưa xong hạng mục móng. Chưa dừng ở việc chậm tiến độ mà không thông báo giải thích với khách hàng, Hạ Long còn tự ý phát công văn thu thêm 20% tiền nhà dưới dạng góp vốn tiếp, khi nào xong hạng mục móng mới ký hợp đồng mua bán căn hộ và thu tiếp 10%.

Khi khách hàng đơn lẻ đến tìm hiểu về vấn đề này thì bị người của Công ty Hạ Long đánh tiếng "mọi người đóng tiền hết rồi, còn mỗi anh/chị chưa đóng" để gây tâm lý hoang mang cho khách hàng, nếu không đóng sẽ không được mua nhà.

Khi tiền đã đóng nhưng tiến độ dự án dường như vẫn "án binh bất động", khách hàng đã tìm đến Công ty Hạ Long khiếu kiện tập thể nhưng luôn gặp tình trạng GĐ Phạm Như Quỳnh và toàn bộ những người có trách nhiệm đều đi vắng đột xuất hoặc nhân viên không biết các sếp đi đâu và cũng không có số điện thoại nào để liên lạc, đồng thời tỏ thái độ vô cùng khó chịu, mất lịch sự với khách hàng.

Hiện tại, dự án 409 Lĩnh Nam là một bãi công trường hoang, cửa đóng then cài không có dấu hiệu thi công. Phần nhà 25 tầng đã đào móng, ép cọc sắt nhưng đã ngừng thi công từ lâu khiến dự án biến thành chiếc áo tù nước xanh với những tiếng côn trùng, muỗi bay vo ve đến ghê người.

Còn khi tìm đến trụ sở Công ty Hạ Long tại 38 Nguyễn Thị Định thì được thông báo “công ty này mới chuyển văn phòng một cách bí mật”. Hàng xóm của công ty cho rằng: “Địa chỉ này có nhiều người đến đòi nợ quá nên họ đã chuyển đi không thông báo địa điểm mới. Khách đã mua nhà từ Hạ Long cứ chịu khó chờ đợi. Liên hệ với chủ nhà nơi Công ty Hạ Long thuê trước đó, bác Hùng cho rằng công ty đã nợ tiền thuê nhà 7 tháng nay chưa trả nên chúng tôi đã cắt hợp đồng thuê nhà.

( Theo VnMedia )

Bình luận

    Chưa có bình luận nào!

Phản hồi

Bình luận từ Facebook

Tin tức khác