"Tình hình kinh tế năm 2013 của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ tái cấu trúc. Nếu cải cách được sẽ khá lên, nếu không sẽ còn khá nhiều vấn đề phải đối mặt".
|
Lực lượng doanh nghiệp bị suy giảm nhiều lắm rồi
Ngày 12/01/2013, Báo Đất Việt có đăng bài Kinh tế Việt Nam 2013: Cánh cửa cơ hội đã mở...trong bài có dẫn ý kiến của ông Lê Đăng Doanh và bà Phạm Chi Lan. Ngay sau khi đăng tải, tòa soạn đã nhận được phản hồi của bà Phạm Chi Lan và ông Lê Đăng Doanh khẳng định không trả lời báo Đất Việt. Tòa soạn đã kiểm tra xác minh và sự thực là phóng viên đã dẫn ý rất không đầy đủ dẫn đến sai lạc quan điểm của chuyên gia từ trong các báo cáo của họ. Tòa soạn đã có hình thức xử lý thích đáng về lỗi này. Qua đây, tòa soạn xin chân thành xin lỗi bà Phạm Chi Lan và ông Lê Đăng Doanh cùng toàn thể độc giả. Rất mong những ý kiến đóng góp trung thực của quý vị để trang báo ngày một sạch hơn, chính xác và đáng tin. |
PV: -Nền kinh tế 2012 gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp chính thức tuyên bố phá sản đã là hơn 50.000, con số doanh nghiệp chết lâm sàng chắc cũng không nhỏ. Theo ông, có nên đổ lỗi cho tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu hay còn những lý do nào khác như chính sách điều hành vốn, lãi suất, rào cản khiến các doanh nghiệp không tiếp cận được vốn… hoặc do bất động sản rơi tự do đã kéo theo?
TS Lê Đăng Doanh: - Các doanh nghiệp năm 2012 phá sản, doanh nghiệp còn lại hoạt động chỉ 30-40% công suất vì lượng tồn kho nhiều. Lực lượng doanh nghiệp bị suy giảm nhiều lắm rồi. Từ năm 2008 lạm phát cao, lãi suất cao, giá đầu vào tăng lên trong khi sức mua thì giảm sút.
Tình hình đó làm cho doanh nghiệp thêm khó khăn hơn rất nhiều. Trong tình hình khó khăn này có những doanh nghiệp bỏ cuộc, có những doanh nghiệp chống đỡ được bằng cách tái cấu trúc và vẫn tồn tại.
Năm 2012 có khoảng 55.000 doanh nghiệp phá sản. Như ông Vũ Tiến Lộc, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam nói: lần đầu tiên trong một năm số doanh nghiệp phá sản nhiều hơn doanh nghiệp đăng ký.
PV: - Vậy theo ông vì đâu mà xảy ra cơ sự này?
TS Lê Đăng Doanh: Chủ yếu là vì môi trường kinh tế vĩ mô xấu quá. Thêm nữa, doanh nghiệp có một thời đã lệ thuộc quá nhiều vào tín dụng cho nên khi tín dụng bị siết chặt, tổng mức tăng tín dụng chỉ còn 7% doanh nghiệp đã gặp khó khăn lớn.
Tôi nghĩ rằng qua đây tất cả các doanh nghiệp phải rút kinh nghiệm. Có những doanh nghiệp đã có chính sách đúng, có cải cách nên vẫn phát triển.
Ví dụ như Công ty mía đường Lam Sơn năm 2012 vẫn sống vì họ đã đầu tư nhà máy phát điện bằng cách chế biến bã mía, rồi xử lý rỉ đường qua đó thu được thêm, tiết kiệm được tiền mà không phải bỏ tiền thêm. Hay như xi măng Bỉm Sơn đã thành công vì đa dạng hóa sản phẩm cung cấp cho thị trường…
Những bài học của doanh nghiệp đã thành công là cách tốt nhất để các doanh nghiệp học tập tránh được những bi quan quá đáng trước tình hình hiện nay.
TS Lê Đăng Doanh: "Lực lượng doanh nghiệp đã suy giảm nhiều lắm rồi. Nguyên nhân là do môi trường kinh tế vĩ mô xấu quá". |
PV: - Nói như ông, sự thất bại của doanh nghiệp một phần cũng là do họ lệ thuộc quá nhiều vào ngân hàng. Năm 2012 cũng là năm vấn đề nợ xấu của nền kinh tế được nói đến nhiều nhất từ trước tới nay, Thủ tướng đã phải lên tiếng: “Xử lý nợ xấu của nền kinh tế, tôi cũng suy nghĩ là trăm sự nhờ ngân hàng. Nhờ chỗ nào? Chính là các đồng chí cho vay, doanh nghiệp khó khăn và nợ xấu, các đồng chí là người xử lý trước hết và chủ yếu.” Là chuyên gia kinh tế, ông có kiến giải gì về điều này?
TS Lê Đăng Doanh: - Không. Tôi không nghĩ là doanh nghiệp có thể đổ tội cho ngân hàng. Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm.
Lý do là vì doanh nghiệp đã đi đầu tư phải có 70% vốn và chỉ vay ngân hàng 30% thôi. Đằng này có những doanh nghiệp đi đầu tư vay 100% vốn, khi lãi suất lên cao chết là đúng.
Có những ông chủ doanh nghiệp khi làm dự án chỉ có 30% vốn, sau đó đưa dự án đó ra để thu hút nhà đầu tư khác góp thêm 40-50% vốn, như vậy tổng số vốn lên tới 70-80% mới không phải vay vốn 100% của ngân hàng.
Theo tôi, mấu chốt của vấn đề là trong khó khăn doanh nghiệp nào thực sự cạnh tranh bằng chất lượng sẽ đứng vững.
Năm 2013 hy vọng và bất định
PV: - Ông có nghĩ rằng năm 2013 nền kinh tế của Việt Nam sẽ khá hơn sau khi rút ra bài học từ năm 2012?
TS Lê Đăng Doanh: - Tình hình kinh tế năm 2013 của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ tái cấu trúc của chúng ta. Nếu cải cách được sẽ khá lên, nếu không cải cách hiệu quả sẽ còn khá nhiều vấn đề.
Đây sẽ là một năm đầy biến động, một năm của sự tái cấu trúc, cải cách. Kinh tế thế giới còn nhiều điều khó lường, rủi ro. Đối với kinh tế Việt Nam, điều khó khăn nhất trong năm 2013 là vấn đề nợ xấu sẽ được giải quyết đến đâu. Đóng băng tín dụng có thể được giải quyết đến mức độ nào.
Chúng ta nhớ lại, năm 2012, tín dụng chỉ tăng trưởng có 7% trong khi đó lạm phát bình quân cả năm là 9,2%/năm. Như vậy thực chất tín dụng là âm.
Vậy nếu như không có tín dụng thì doanh nghiệp không có “máu” để hoạt động. Chính vì thế cho nên năm 2012 là một năm thực sự khó khăn và có thể nói là thê thảm đối với doanh nghiệp.
Thứ hai là tình hình ngân hàng có thực sự tốt lên không? Năm 2012 ngân sách thu rất khó khăn, liệu năm 2013 ngân sách có cải thiện không và liệu đầu tư công có tăng lên không?
Trước những câu hỏi chưa thể giải đáp ngay cho nên kinh tế năm 2013 là lẫn lộn giữa hy vọng và bất định.
PV: - Theo ông các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với điều gì?
TS Lê Đăng Doanh: - Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề lãi suất. Cứ nói lãi suất sẽ giảm nhưng thực tế vẫn là 15-17% chứ không phải lãi suất thấp như Ngân hàng nhà nước đã ấn định.
Điều này cũng là dễ hiểu vì vốn mà doanh nghiệp cho vay chính là vốn họ đã huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Giống như một gia đình có bồ gạo được gom từ nhiều nguồn khác nhau thì bây giờ phải trộn lên mới ra gạo chung.
Thứ ba là liệu tín dụng có khá lên không, sức mua của người dân có tăng lên không? Lượng tồn kho có giảm không… là những câu chuyện doanh nghiệp cần lưu ý để cân nhắc cho sức sản xuất của mình.
Các doanh nghiệp phải tìm cách tự cứu mình trước bằng cách tái cấu trúc, đa dạng sản phẩm cung cấp ra thị trường |
PV: - Vậy ông có hiến kế gì đối với công tác quản lý kinh tế của Nhà nước và các doanh nghiệp để năm 2013 tránh được rủi ro?
TS Lê Đăng Doanh: - Chính phủ đã đưa ra 2 Nghị quyết 01 và 02 đều có những quyết sách rất quan trọng đối với các doanh nghiệp như giãn thuế, lập quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp. Tôi nghĩ đó là những chính sách đúng đắn. Vấn đề còn lại là phải thực hiện chính sách đó một cách có hiệu quả.
Đối với các doanh nghiệp cần phải tự cải cách, tự cứu mình, không nên quá trông chờ vào các biện pháp trợ giúp của Nhà nước, mặc dù nhà nước đã đưa ra Nghị quyết 01 với 9 biện pháp trong đó có nhiều biện pháp thiết thực để có thể trợ giúp doanh nghiệp.
Thế nhưng, cách tốt nhất là các doanh nghiệp sẽ phải đẩy mạnh tái cấu trúc, tự mình cứu mình vươn lên.
Xin trân trọng cảm ơn và chúc ông sức khỏe!
9 nhóm giải pháp chủ yếu Theo Nghị quyết 01, để thực hiện có kết quả các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện 9 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; |
- Bích Ngọc (thực hiện)
( Nguồn Báo đất việt )
Bình luận
Chưa có bình luận nào!
Phản hồi
Bình luận từ Facebook